Cập nhật 27/4/2014 - 12:43
- Lượt xem
3295
Vỡ đập thủy điện thảm khốc: Trách nhiệm thuộc về ai?
Thảm họa vỡ đập năm 1975 khiến hàng trăm ngàn người chết là nỗi ám ảnh đối với người dân và là một bài học đắt giá.
Thảm họa vỡ đập năm 1975 ở Trung Quốc khiến hàng trăm ngàn người chết là nỗi ám ảnh đối với người dân và là một bài học đắt giá đối với chính quyền và các bộ ngành có liên quan.
Nhiều năm sau “sự cố 75.8”, nhiều bộ ngành có liên quan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về thảm họa đã gây ra cái chết oan của hàng trăm ngàn người.
Nhận lỗi
Đầu tháng 12/1975, gần 4 tháng sau sự cố, trong hội nghị của Bộ Thủy điện Trung Quốc được tổ chức tại Trịnh Châu, Bộ trưởng Tiền Chính Anh nói: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Thủy điện. Do trước đây chưa từng xảy ra một sự cố vỡ đập quy mô lớn nào, nên chúng tôi vẫn nghĩ rằng vấn đề đập thủy điện lần này cũng không quá nghiêm trọng.
Vụ vỡ đập Bản Kiều là vụ vỡ đập lớn thứ 3 trên thế giới
Thứ hai, ông cho biết, tiêu chuẩn an toàn của hồ thủy điện và phương pháp tính toán lũ lụt vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Tiêu chuẩn an toàn hồ thủy điện và phương pháp tính toán lũ chủ yếu dựa theo quy trình của Liên Xô, mà không hề nghiên cứu bất cứ kinh nghiệm nào của các nước trên thế giới, để tự đưa ra những kinh nghiệm phù hợp với địa phương, phù hợp với tình hình đất nước.
Thứ ba, công tác quản lý hồ thủy điện chưa chặt chẽ, tất cả các công tác thông tin liên lạc, thông báo sự cố, hệ thống báo động, điện dự phòng… đều không đúng quy định.
Trong thời điểm nguy cấp nhất ở hồ thủy điện Bản Kiều, Thạch Mạn, hệ thống điện bị cắt, thông tin liên lạc bị mất hoàn toàn, mọi mệnh lệnh của cấp trên không thể truyền đi, tạo thành trạng thái bị động.
Sự cố 75.8 là bài học đắt giá cho công tác thủy điện
Thêm vào đó, thiết kế của hồ thủy điện Bản Kiều không đủ sức để chịu được lượng nước khổng lồ trút xuống Hà Nam trong nhiều ngày liên tiếp.
Hồ thủy điện Bản Kiều được thiết kế chỉ có dung tích 492 triệu m3 nước, công suất thiết kế xả tối đa là 1.720 m3/s.
Trong khi đó, mưa dữ dội trong vòng nhiều ngày khiến tổng lượng nước đổ xuống hồ Bản Kiều đã lên tới 701,2 triệu m3, sau khi đập bị vỡ, lưu lượng xả đã đạt mức 17.000 m3/s.
Ông Tiền cho biết, "sự cố 75.8" là một kinh nghiệm đắt giá, một lời cảnh cáo lớn đối với công tác thủy lợi, thủy điện Trung Quốc.
Ăn năn
Siêu bão Nina đổ bộ vào đất liền và gây mưa lớn trong vòng nhiều ngày từ 4/8 tới 8/8/1975. Tại Hà Nam, lượng mưa lớn nhất đo được lên đến 1.605mm.
Có một điều đáng ngạc nhiên là cả Trung tâm khí tượng trung ương Trung Quốc lẫn đài khí tượng tỉnh Hà Nam hay khí tượng khu Trú Mã Điềm đều không đưa ra được bất cứ dự đoán nào về trận mưa lớn năm đó.
Không một cơ quan khí tượng nào dự đoán về mức độ nghiêm trọng của
siêu bão Nina
Cho tới bây giờ, gần 40 năm đã trôi qua, những người từng làm ở trạm khí tượng Trú Mã Điềm khi ấy, nay đã qua tuổi thất thập cổ lai hy, mỗi lần nhớ lại “sự cố 75.8” đều cảm thấy có lỗi.
Sau sự cố, các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân không thể đưa ra dự đoán về trận mưa lớn như sau: Đầu tiên, cơn bão 7503 (theo số hiệu quốc tế, còn có tên gọi là Nina) đã phá vỡ quy luật của những cơn bão thông thường, nên rất khó dự đoán.
Thứ hai, những nhân viên khí tượng thiếu kinh nghiệm, nguyên nhân cuối cùng là do thiết bị trong các trạm khí tượng đều đã cũ và lạc hậu.
Giấu nhẹm
Ban đầu, số người thiệt mạng sau cơn đại hồng thủy năm 1975 bị giấu kín hoàn toàn, tất cả mọi thứ về thảm họa kinh hoàng này chỉ tồn tại trong trí nhớ và lời kể của những người sống sót.
Mãi tới tháng 9/2005 - 30 năm sau sự việc, trong một cuộc họp của Cục Bảo mật Tin tức Quốc gia, người phát ngôn Thẩm Vĩnh Xã mới tuyên bố, căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu của công tác cứu hộ thiên tai, Cục mới bắt đầu công khai những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Con số người thiệt mạng chỉ được công khai vào năm 1975
Theo đó, “sự cố 75.8” đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói. Cùng với đó là khoảng 11 triệu dân trở nên vô gia cư khi hơn 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Hiện tại, trước thủy điện Bản Kiều vẫn dựng một bia đá để tưởng niệm những nạn nhân xấu số và như một lời nhắc nhở về bài học đắt giá đối với công tác thủy điện sau này.
Nguồn: vtc.vn
Vỡ đập thủy điện thảm khốc: Trách nhiệm thuộc về ai? Đánh giá bởi
hơn 5600 khách hàng. Kết quả bình chọn:
9 10