Cập nhật 27/4/2014 - 12:41
- Lượt xem
4248
REE đang ngắm đến điện lực quốc doanh
Với dự báo Chính phủ sẽ nới dần việc kiểm soát giá điện, Tập đoàn Ree đang tính tới mua thêm Cổ phần điện lực quốc doanh.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE).
Trả lời một cuộc phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg mới đây, bà Nguyễn thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) tiết lộ dự kiến sẽ mua thêm cổ phần trong các công ty điện lực quốc doanh, khi có dự báo Chính phủ sẽ dần nới lỏng việc kiểm soát giá điện theo thời gian, mỗi năm vài phần trăm.
Dẫn nguồn tin của Bloomberg, theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, REE đang theo sát khả năng cơ chế hóa thị trường ngành điện một khi chính sách này được đưa ra:
Đánh giá về năng lực tài chính
Là một trong số những công ty quốc doanh đầu tiên của Việt Nam bán cổ phần vào năm 1993, REE sẽ thành lập một công ty cổ phần riêng bao gồm các bộ phận điện lực và cung cấp nước, bên cạnh các mảng cơ khí, bất động sản và điều hòa không khí - bà Thanh cho biết. Cũng theo bà Thanh, Nhà nước hiện nắm cổ phần dưới 6% tại REE. Và hiện REE đang nắm cổ phần trong các công ty điện lực bao gồm Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Thác Mơ, và Thủy điện Thác Bà. Cả ba công ty này đều do EVN nắm quyền kiểm soát.
“REE là một công ty minh bạch với những mảng kinh doanh được điều hành tốt, những tài sản chất lượng, và doanh thu bền vững. Cổ phiếu REE được xe là một tài sản đầu tư an toàn trong môi trường rủi ro”, ông Attila Vajda, Giám đốc phụ trách mảng khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán ACB tại Tp.HCM, đánh giá. “Vấn đề nằm ở chỗ, REE phải sắp xếp các mảng kinh doanh của mình như thế nào để các nhà đầu tư có thể hiểu được việc tạo ra giá trị trong các mảng khác nhau trong thời gian tới, kết nối các mảng đó ra sao, và sẽ cho thấy sẽ bổ sung giá trị ở đâu”.
REE là một trong hai công ty đầu tiên có cổ phiếu được giao dịch trên sàn Tp.HCM khi sàn này đi vào hoạt động năm 2000. Năm nay, cổ phiếu của REE đã tăng giá 57% so với mức tăng 20% của chỉ số VN-Index. Xét về giá trị vốn hóa, REE đang đứng thứ 19 trong tổn số 301 công ty niêm yết trên sàn Tp.HCM.
Năm ngoái, một bộ phận thuộc công ty Jardine Cycle & Carriage của Singapore cho biết đã mua cổ phần 10% trong REE, với đánh giá rằng mảng cơ khí của REE đem tới “lợi nhuận bền vững”, còn mảng bất động sản và cơ sở hạ tầng là “những cơ hội hấp dẫn”.
“Họ có bộ máy quản trị tốt, am hiểu tài chính và am hiểu về xây dựng”, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital, nhận định. Một số quỹ đầu tư của Dragon có nắm cổ phiếu của REE. “Nếu nhìn vào cả ba yếu tố này, sẽ có ba lý do rất tốt để REE đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng”, ông Scriven nói.
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của REE đạt 839 tỷ đồng, trong đó các khoản đầu tư tại các công ty con đóng góp 382 tỷ đồng. Bà Thanh cho biết, đầu tư vào mảng điện nước có thể chiếm 60% lợi nhuận của REE trong năm 2014. Lợi nhuận cả năm nay của REE có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng lần đầu tiên, vượt xa mục tiêu ban đầu là 650 tỷ đồng, bà Thanh nói.
Tuần trước, REE cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của công ty đã tăng 71% nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Theo bà Thanh, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội để bổ sung thêm các tài sản thuộc lĩnh vực điện nước vào danh mục và có thể cân nhắc việc niêm yết riêng bộ phận điện nước trên sàn chứng khoán.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố tuần trước, REE hiện nắm cổ phần 42% trong Công ty Cấp nước Thủ Đức, 35% trong Thủy điện Thác Mơ, 29% trong Nhiệt điện Ninh Bình, 24% trong Thủy điện Thác Bà, và 22% trong Nhiệt điện Phả Lại. Trong đó, cổ phần của REE trong Nhiệt điện Phả Lại là đắt giá nhất, trị giá khoảng 1,16 nghìn tỷ đồng.
Theo bà Thanh, nền móng của REE là “về cơ điện, nên chúng tôi có thể dễ dàng am hiểu về hệ thống nước, hệ thống điện. Chúng tôi biết công nghệ, các vấn đề kỹ thuật, và chúng tôi có những ý tưởng riêng về đầu tư”.
Đánh giá vận hành điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh
Bloomberg dẫn một báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng, Việt Nam đang đưa ngành điện tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc, Chính phủ đang tìm cách tiết kiệm ngân sách. Tháng 8 vừa qua, giá bán lẻ điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng thêm 5%, lên mức 1.509 đồng/kWh.
“Nếu giữ giá điện như hiện nay, Chính phủ sẽ phải chi thêm tiền để trợ giá”, bà Thanh nói trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại Tp.HCM. “Chính phủ không có nhiều ngân sách để làm việc này. Ngân sách còn cần để làm nhiều việc khác”, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng, bà Thanh nói.
Theo báo cáo của WB được Bloomberg trích dẫn, Việt Nam đang từng bước phát triển một thị trường bán buôn điện. Trong đó ở giai đoạn đầu, các công ty phát điện sẽ cạnh tranh để bán điện cho một công ty bán buôn điện, rồi công ty bán buôn điện này sẽ bán điện cho các công ty và hộ tiêu dùng lớn với giá được điều tiết. Ở giai đoạn cuối cùng dự kiến diễn ra vào năm 2022, thị trường điện của Việt Nam sẽ là thị trường bán lẻ cạnh tranh.
“Mục tiêu ở đây là đưa ra các ưu đãi và quy chế để cải thiện chất lượng dịch vụ, hiệu quả sử dụng điện năng, và cho phép các nhà đầu tư hiện nay và các nhà đầu tư mới cung cấp vốn cho việc phát điện”, báo cáo WB viết.
Theo Vneconomy
REE đang ngắm đến điện lực quốc doanh Đánh giá bởi
hơn 5600 khách hàng. Kết quả bình chọn:
9 10