Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc - cho biết, nhu cầu sử dụng điện của Vĩnh Phúc khoảng 2,9 triệu kWh/ngày để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, từ ngày 12/4/2010, Vĩnh Phúc chỉ được phân bổ sản lượng điện trung bình 2,2 triệu kWh. Riêng tháng 4, nhu cầu điện thương phẩm tăng khoảng 10 triệu kWh (từ 32,5 – 42,4 triệu kWh) do nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao, giá thép trên thị trường tăng mạnh khiến các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, riêng cụm công nghiệp Cầu Củi và Nhà máy Ống Thép Việt Đức bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 12.000KVA.
Bên cạnh việc đưa vấn đề tiết kiệm 10% chi phí điện năng sử dụng so với cùng kỳ năm trước vào nội dung của phụ lục Hợp đồng mua bán điện với các khách hàng là đơn vị hành chính sự nghiệp, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc còn chủ động làm việc với các khách hàng trọng điểm, có sản lượng tiêu thụ điện lớn để thông báo tình trạng khó khăn về nguồn, diễn biến phức tạp của thời tiết và khả năng thiếu điện từ nay đến tháng 6, vận động khách hàng chia sẻ khó khăn bằng cách lên phương án chủ động sản xuất trong các trường hợp thiếu điện nguồn, tiết giảm tối đa điện phục vụ văn phòng, chiếu sáng bảơ vệ, bố trí hợp lý các ca sản xuất và chủ động phát nguồn dự phòng để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh…
Ngày 7/4/2010 Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cũng đã gửi công văn tới 498 khách hàng sử dụng điện có trạm biến áp chuyên dùng đề nghị bố trí ca sản xuất hợp lý, hướng dẫn, vận động khách hàng tiết giảm được 10% sản lượng điện dùng so với cùng kỳ năm trước; sao gửi tới khách hàng 3.460 bộ Thông tư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề sử dụng điện tiết kiệm, làm tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện gửi tới khách hàng. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền về tình hình thiếu điện, vận động khách hàng dùng các thiết bị tiết kiệm điện như: Bóng đèn compact, bình nóng lạnh dùng năng lượng mặt trời.
Hiện nay, các đơn vị điện lực đang làm việc trực tiếp với 98 khách hàng trọng điểm để đề nghị tiếp tục tiết giảm sản lượng so với tháng 4/2010. Phấn đấu trong tháng 5 sẽ tiết giảm được 3.768.130 kWh. Đồng thời, làm việc với các đơn vị quản lý chiếu sáng đề nghị tiết giảm 50% sản lượng điện dùng cho chiếu sáng công cộng, biển hiệu, quảng cáo trong mùa khô năm 2010.
Nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng nội quy nội bộ về sử dụng tiết kiệm điện tại đơn vị nhằm tiết giảm tối đa các thiết bị điện khi không cần thiết; các thiết bị điện có công suất tiêu thụ điện cao đang dần được thay thế bằng các thiết bị điện có công suất thấp; hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào các giờ cao điểm; giảm sản xuất vào giờ cao điểm - tăng sản suất vào giờ thấp điểm; tăng cường sử dụng ánh sáng, gió tự nhiên để tiết kiệm điện; cải tiến kỹ thuật công nghệ giảm tổn thất điện năng; sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện; thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cơ quan chức năng về sử dụng tiết kiệm điện. Công ty thép Việt Đức (VGPIPE) là một trong những công ty đã chủ động đưa ra các biện pháp sản xuất phù hợp, tiết giảm hệ thống chiếu sáng, chuyển sang dùng máy phát điện từ 17h - 22h hàng ngày.
Ngành điện phải gương mẫu trước
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, dù rất cố gắng nhưng Vĩnh Phúc vẫn gặp không ít khó khăn do ý thức tíết kiệm trong sử dụng điện chưa trở thành thói quen của mọi người. Các trạm bơm tưới đa số nhận điện phía 0,4kV của các trạm biến áp phân phối nên việc cắt sa thải phụ tải mà vẫn đảm bảo bơm nông nghiệp rất vất vả. Trong khi đó nhiều đơn vị đăng ký cả những điểm không bơm để yêu cầu duy trì cấp điện, làm ảnh hưởng kế hoạch phân phối điện cho nơi khác. Một số nhà máy thép tháng 4/2010 mới đưa vào sử dụng nên công suất sử dụng từ tháng 4/2010 tăng vọt so với các tháng trước. Công ty cũng mới nhận được công văn của 17 khách hàng đề nghị được ưu tiên cấp điện liên tục cho hoạt động sản xuất trong khi sản lượng điện nhận theo phân bổ không tăng kịp so với nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp công, nông, lâm, ngư nghiệp và các thành phần nhận điện chung cùng với nhiều phụ tải hỗn hợp khác nên rất khó khăn khi thực hiện cắt sa thải từ đầu nguồn.
Với tiêu chí ngành điện phải gương mẫu trước, giám đốc và chủ tịch Công đoàn công ty đã ban hành chỉ thị liên tịch về việc thực hiện tiết kiệm điện đối với CBCNV trong ngành: oi việc giảm ít nhất 10% điện năng tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước là một trong những chỉ tiêu thi đua của các đơn vị. Bên cạnh đó, việc đảm bảo công bằng với những hộ bị cắt điện luân phiên, hàng ngày thợ điện phải khắc phục khó khăn đi cắt lẻ tại 350 trạm biến áp (có nơi cắt 2 lần/ngày, mỗi lần 4-5 giờ), không cắt cả tuyến gây mất điện trên diện rộng hoặc mất điện quá lâu sẽ làm đảo lộn cuộc sống của dân. Tất cả những trường hợp cắt điện theo kế hoạch đều có thông báo trước 5 ngày bằng văn bản (trừ sự cố đột xuất). Những trường hợp sửa chữa khẩn cấp do lưới bị đe dọa sự cố có thể báo trước bằng điện thoại 3-5 giờ. Để đảm bảo công khai, ngành điện đã phối hợp với Sở Công thương lập danh sách 47 khách hàng sử dụng điện quan trọng thuộc diện ưu tiên năm 2010 và danh sách 305 khách hàng hành chính sự nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện ưu tiên hoặc tiết giảm khi xảy ra thiếu nguồn. Ông Thọ khẳng định, dù rất khó khăn nhưng ngành điện Vĩnh Phúc vẫn phải khắc phục để đảm bảo duy trì cấp điện an toàn, hiệu quả và hợp lý.
Theo: icon.com.vn